Biến thể Kính_hiển_vi_đồng_tiêu

Nhằm mục đích tăng độ phân giải của các kính hiển vi đồng tiêu, rất nhiều biến thể thuộc dạng quang học siêu phân giải (superresolution) đã được tạo ra dựa trên kính hiển vi đồng tiêu - huỳnh quang và các kính quang học truyền thống. Một số ví dụ bao gồm:

  • Kính hiển vi 4Pi (bốn Pi) hoặc I5M

Là một biến thể đơn giản của kính hiển vi đồng tiêu - huỳnh quang, sử dụng một tinh thể calcite để tách chùm sáng sơ cấp làm hai chùm riêng biệt, được hội tụ từ hai vật kính khác nhau đặt ở hai mặt trên và dưới mẫu vật (hoặc hai bên). Tia phản xạ được ghi lại bởi CCD camera hoặc CMOS. Thiết kế này nhằm mục đích tăng gấp đôi chỉ số khẩu độ (numerical aperture) và do đó, tăng độ phân giải lên gấp đôi (từ 100 - 150 nm, bằng một nửa so với kính hiển vi truyền thống).

  • Kính hiển vi đa mặt phẳng tiêu (Multifocal microscopy)

Sử dụng hai chùm tia lọc màu khác nhau để ghi ảnh ở hai mặt phẳng khác nhau.

  • Kính hiển vi huỳnh quang phản xạ toàn phần (Total internal reflection fluorescent microscopy - TIRF microscopy)

Kính hiển vi này sử dụng một thấu kính Thạch Anh góc 180 độ để tạo ra hiện tượng phản xạ toàn phần khi có chùm tia sơ cấp chiếu tới, đặt ngay bên trên hoặc bên dưới mẫu vật. Ánh sáng kích thích được chiếu tới mẫu vật từ một góc 45 độ (1/4 góc 180 độ)và phản xạ cũng ở góc đó. Tia sáng phản xạ được ghi nhận với độ phân giải khoảng 100 nm.

  • Kính hiển vi STED (Stimulated Emission Depletion microscopy - kính hiển vi làm nghèo bức xạ)

Kính hiển vi STED có thể tạo ra ảnh với độ phân giải rất cao (khoảng 40 - 60 nm, kết hợp với Ground State Depletion - GSD - làm nghèo năng lượng gốc có thể tạo ra độ phân giải từ 5 - 7.8 nm) nhờ việc dùng một tia laser màu đỏ để làm nghèo tia laser ghi ảnh (thu nhỏ kích thước của chùm tia kích thích) do đó giảm kích thước chấm huỳnh quang.

Và rất nhiều các kỹ thuật khác như kính hiển vi hấp thụ đa photon (multiphoton microscopy), chiếu sáng có hệ thống (structured illumination), phản xạ giao thoa (interference reflection microscopy), kính hiển vi tái dựng cấu trúc (stochastic reconstruction microscopy - STORM), kính hiển vi huỳnh quang ánh sáng phẳng (light-sheet fluorescence microscopy), định vị phân tử kích hoạt bằng ánh sáng (Photoactivated Localization Microscopy - PALM)...